Nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam chỉ chiếm 1,1% tổng số lao động, doanh nghiệp phải “xoay xở” như thế nào?

Tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam khá thấp so với các nước định hướng công nghệ như Hoa Kỳ (4%), Hàn Quốc (2,5%) hay Ấn Độ (1,78%). Vì thế, kết hợp giữa tư duy số và kỹ năng số được xem là điều bắt buộc …

Việt Nam có ưu thế cao nhờ cơ cấu dân số vàng với 69% trong độ tuổi lao động, nhưng vẫn đang gặp tình trạng thiếu hụt nhân lực số đáng kể. Theo DxReports “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực số” mới đây của FPT Digital, Việt Nam có gần 400.000 kỹ sư công nghệ thông tin và hơn 50.000 sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm. Tuy vậy, chỉ có khoảng 30% lực lượng nhân sự công nghệ thông tin này đáp ứng được yêu cầu thực tế của công việc.

TỶ LỆ NHÂN LỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM ƯỚC ĐẠT 1,1% TỔNG SỐ LAO ĐỘNG

Tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng số lao động quốc gia của Việt Nam ước đạt 1,1% trong tổng số 51 triệu lao động. Tỷ lệ này khá thấp so với các nước định hướng công nghệ như Hoa Kỳ, Hàn Quốc hay Ấn Độ. Cụ thể, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin của Ấn Độ là 1,78% trên tổng số lao động quốc gia, của Hàn Quốc là 2,5% và của Mỹ là 4%. Tuy nhiên, tỉ lệ này của Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 2% và cùng với đó là nâng cao chất lượng kỹ thuật trong thời gian tới.

Phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Mục tiêu đến đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% GDP. Dự báo năm 2030, kinh tế số thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm 7 – 16%, tương đương khoảng 28 – 62 tỷ USD.

Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp thực hiện thúc đẩy nền kinh tế số nước nhà, trong đó con người là một trong những yếu tố trọng tâm. Nguồn nhân lực mới với tư duy số và kỹ năng số sẽ là lực lượng chủ yếu để triển khai và hiện thực hóa, quyết định sự phát triển của nền kinh tế số.

Ở góc độ doanh nghiệp, nhu cầu tìm kiếm, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực số ngày càng cấp bách để có thể thành công chuyển đổi thành doanh nghiệp số. Theo khảo sát của FPT Digital, những doanh nghiệp có khối nhân sự số trưởng thành hơn sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận cao hơn từ 12% đến 20% so với khối doanh nghiệp có nhân sự số kém hoàn thiện hơn. 

Đồng thời, với những doanh nghiệp áp dụng chiến lược nhân sự số thường đạt mức độ gắn kết của nhân viên tăng và tỷ lệ giữ chân nhân viên tăng lên hơn 20%. Những doanh nghiệp này có khả năng cải thiện nỗ lực tuyển dụng và có khả năng cải thiện quy trình quản lý tài năng của họ cao gấp hai đến ba lần.

CẠNH TRANH TÌM KIẾM NGUỒN NHÂN LỰC SỐ TỪ CẢ TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC

Hiện nay, nhu cầu về nhân lực số, nhất là ngành công nghệ thông tin tiếp tục tăng cao. Điều này cũng dễ hiểu khi Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư công nghệ cao. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) có nhận định Việt Nam đang trở thành cường quốc kỹ thuật số mới ở Đông Nam Á.

Những gã khổng lồ công nghệ như Samsung, Apple, LG, Foxconn, Cisco, ToshibA… đã hiện diện mạnh mẽ tại Việt Nam, bao gồm cả mảng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Bên cạnh đó, những sản phẩm, dịch vụ “Make In Vietnam” trong lĩnh vực công nghệ (Fintech, Proptech,…) cũng cho thấy tiềm năng phát triển đột phá của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong khi đó, nhu cầu chuyển đổi số ngày càng tăng cao giữa các doanh nghiệp, các ngành nghề, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số trở thành bài toán khó. 48.8% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số nhưng gián đoán và thất bại do thiếu nhân sự phục vụ chuyển đổi số. Khảo sát cũng cho thấy có ít doanh nghiệp lập kế hoạch nhân sự trong dài hạn. Cụ thể, chỉ 15% doanh nghiệp lập kế hoạch nhân sự dựa vào sự thay đổi về khoa học, công nghệ, nhu cầu sản phẩm và dịch vụ, quy mô vốn.

Khi xu hướng làm việc từ xa ngày càng được ưa chuộng, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước mở rộng tìm kiếm nguồn lao động tại các quốc gia có thị trường của họ, từ đó dẫn tới cuộc cạnh tranh nhân lực số ngày một gay gắt và khốc liệt: đẩy cao mức lương, tăng các điều kiện làm việc tốt hơn,… dẫn tới tăng tình trạng lao động nhảy việc, dự án gián đoạn vì thiếu nhân sự chất lượng cao… ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam.

Chính vì vậy, doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh rõ ràng để xây dựng đúng lộ trình chuyển đổi số, đồng thời có kế hoạch dài hạn cho việc thu hút nhân tài và phát triển con người song song với sự phát triển của doanh nghiệp.

PHÁT TRIỂN NHÂN SỰ THEO TƯ DUY SỐ VÀ KỸ NĂNG SỐ

Các công ty thường gặp khó khăn trong việc xác định chính xác những năng lực họ thực sự cần để định hướng những yêu cầu tuyển dụng nhân lực số. Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa tư duy số và kỹ năng số được xem là điều bắt buộc để triển khai chuyển đổi số. Những kỹ năng này được yêu cầu ở mọi vị trí, mọi cấp bậc nhân sự, có vai trò quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số trong tất cả các tổ chức và ngành.

Theo Wendy Murphy, Giám đốc cấp cao tại LinkedIn, tư duy số và kỹ năng số đều là những thuộc tính cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra những bước tiến trong thế giới kỹ thuật số.

Tư duy số liên quan tới việc sử dụng tư duy logic, trực quan, suy nghĩ đổi mới và sáng tạo trong không gian số. Đối với bất kỳ mô hình tổ chức nào, tư duy số đều được coi là yếu tố chủ đạo cho chương trình chuyển đổi số thành công. Tư duy “lấy khách hàng làm trung tâm” và “đam mê học hỏi” là hai trong số các yếu tố cần thiết của nhân lực số, được yêu cầu nhiều nhất bởi các tổ chức. Khảo sát cho thấy 59% tổ chức đối mặt với khoảng cách tư duy số.

Kỹ năng số bao gồm kỹ năng học hỏi, chia sẻ, khai thác thông tin, vận hành và ứng dụng các công nghệ số trong phần cứng, phần mềm, hệ thống thông tin và bảo mật… Các doanh nghiệp cần hình thành lớp nhân sự có kỹ năng số cao, có khả năng tiếp thu và làm chủ công nghệ, giúp doanh nghiệp nhanh chóng đạt được các mục tiêu trong chuyển đổi số. Có 51% tổ chức đối mặt với khoảng cách kỹ năng số. Kỹ năng về “An ninh mạng” và “điện toán đám mây” là hai trong số các kỹ năng số chủ chốt được yêu cầu nhiều nhất bởi các tổ chức.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số, FPT Digital, có 3 bước chủ đạo để hình thành và duy trì đội ngũ nhân lực số chất lượng cao cho doanh nghiệp. Đó là khảo sát, phát triển lực lượng và có chiến lược thu hút nhân tài. 

Bước khảo sát thực lực về nhân lực số nhằm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, xác định thực trạng, khoảng cách về kỹ năng số. Từ đó doanh nghiệp tiến hành đánh giá và nâng cao năng lực nội bộ thông qua các chương trình đào tạo, khóa học…. Quá trình khảo sát cũng góp phần hình thành sự hiểu biết sâu sắc về các ưu tiên và mong muốn của nhân lực số, thu hút ứng cử viên xuất sắc thuận lợi hơn. 

Sau bước khảo sát, doanh nghiệp cần triển khai kế hoạch chi tiết về phát triển nhân lực số, nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu về số lượng, kỹ năng quan trọng tại đúng thời điểm với chi phí hợp lý. Tại bước này, doanh nghiệp sẽ ​​xác định những kỹ năng số cần thiết phải bổ sung và thiết kế quá trình đào tạo nội bộ để đạt kết quả cũng như xây dựng năng lực số. Quá trình tuyển dụng và ngân sách cho mục đích tuyển dụng, đào tạo nội bộ cũng cần được lên kế hoạch chi tiết.

Cuối cùng, doanh nghiệp cần có chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài, giúp họ tiếp nhận và hòa nhập nhanh với văn hóa và mô hình làm việc của tổ chức. Chiến lược này cần đảm bảo phát triển khả năng và phẩm chất lãnh đạo trong kỷ nguyên số. Bên cạnh việc xây dựng chính sách lương và mức độ đãi ngộ xứng đáng, phù hợp thì cần kết hợp giá trị từ các chiến lược ESG, đa dạng, bình đẳng và hòa nhập vào quá trình phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *